Phân bón lá được cây trồng hấp thu qua bề mặt lá thông qua hệ thống khí khổng. Phân bón lá được ví như một loại phân cung cấp vitamin hay thuốc bổ nhằm hỗ trợ cho cây trồng vào những thời điểm đặc biệt như  ra lá, ra hoa, ra trái, tăng sức đề kháng khi cây gặp thời tiết bất lợi hay cây mau phục hồi khi bị sâu bệnh tấn công…, phân bón lá là phân ở dạng hòa tan trong nước  như vitamin, humat, vilượng,.. hay các thành phần khoáng đa lượng trung lượng khác. Người ta kết hợp sử dụng phân bón lá với một số chất kích thích để điều khiển quá trình sản xuất của cây trồng.

Lợi ích của phân bón lá đối với cây trồng được thể hiện qua các cách sử dụng sau

1. Sử dụng phân bón lá trong giai đoạn trồng cây con

Khi cây con vừa hình thành bộ rễ, cây chưa đủ sức đi tìm thức ăn trong đất thì bón phân bón lá sẽ giúp rễ cây mau hoàn thiện và lá nhanh phát triển hơn.Tuy nhiên nếu lạm dụng phân bón lá trong giai đoạn này thì rễ cây lại chậm phát triển, mặc dù lá cây luôn xanh mượt nhưng rễ không ra nhiều.

Nên dùng phân bón lá kèm với thuốc kích thích sinh trưởng trong giai đoạn cây con sẽ giúp cây nhanh hoàn thiện thân và tán lá.

Ví dụ: dùng thuốc kích thích như Atonik, NAA, N3M, GA3  hay Root kèm với phân bón lá đạm cao như 30.10.10, 16.16.8 hay 20.20.20 trong giai đoạn cây còn nhỏ.

2. Dùng phân bón lá giúp cây mau chuyển sang giai đoạn sinh sản ra hoa ra trái

Nếu cây trồng ra nhiều thân lá mà để tự nhiên tùy vào khí hậu thì cây rất lâu để chuyển sang giai đoạn ra hoa, lúc này người trồng trọt cần sử dụng kết hợp phân bón lá với thuốc kích thích ra hoa để cây ra hoa đồng loạt.

Ví dụ: khi thấy cây trồng sinh trưởng đủ thời gian tích lũy sinh khối thì bón phân bón lá có hàm lượng kali hay phốtpho cao như 10.60.10, 10.30.10, 6.30.30…kết hợp với phân bón lá chứa vi lượng như Rong biển, Humat, amino acid, …giúp cây nhanh chuyển sang giai đoạn ra hoa.

Khi cây bắt đầu ra trái thì dùng phân bón lá vi lượng để dưỡng trái chống rụng trái non, lúc này  không dùng phân bón lá có hàm lượng đạm cao sẽ làm rụng quả.

3. Dùng phân bón lá khi cây gặp điều kiện bất lợi

Khi thời tiết chuyển mùa là lúc cây trồng thường bị sâu bệnh tấn công hoặc mưa kéo dài gây úng rễ thối lá, nên dùng phân bón lá có hàm lượng kali cao như KN03 và các vitamin như B1, amino acid giúp tăng đề kháng cho cây, nên chủ động phun phân bón lá vào đầu mùa mưa.

Nếu cây bị ngập úng kéo dài làm bộ rễ cây bị hư thì phải dùng phân bón lá chống ngẹt rễ như các loại phân bón lá có hàm lượng phốt pho, humat để giúp cây giải độc và nhanh phục hồi bộ rễ.

4. Sử dụng phân bón lá đúng theo hướng dẫn sử dụng trên bao bì

Thời điểm dùng phân bón lá tốt nhất là vào sáng sớm ( từ 7-8h sáng) hay chiều mát ( khoảng 4-5h chiều), không phun phân khi nắng gắt sẽ làm cháy hết lá cây.

Nên chia thời gian phun phân bón lá làm thành nhiều đợt để cây hấp thu từ từ, không được nóng vội dùng phân bón lá với liều cao vừa gây hại cho cây vừa lãng phí.

5. Tùy vào tính chất đất trồng mà chọn phân bón lá bổ sung phù hợp

Nếu trồng cây nơi đất xấu cằn cỗi thì chọn phân bón lá bổ sung thêm dinh dưỡng từ đa lượng, trung lượng và vi lượng, quan trọng nhất là các hợp chất hữu cơ như humat, acid amin…đồng thời cung cấp thêm hệ vi sinh vật để cải tạo đất xấu.

Nếu đất trồng có bị chua thì sử dụng phân bón lá có hàm lượng phốt pho và humic cao để khử phèn giải độc cho bộ rễ.

Đất pha cát hay bị nước rửa trôi và mất dinh dưỡng, nên ưu tiên bón phân bón lá có hàm lượng hữu cơ và vi lượng để giúp cây cân bằng dinh dưỡng.

Tuy nhiên phân bón lá chủ yếu sử dụng bổ sung trong những giai đoạn cần thiết của cây chứ không thể thay thế được phân bón trong đất trồng, người trồng cây cần khéo léo kết hợp giữa phân vô cơ, phân hữu cơ và phân bón lá đem lại hiệu quả tốt nhất.

Gửi phản hồi

Quay số

Quay số online