Chị Nguyễn Thị Mai Khương, sinh năm 1986, tốt nghiệp Đại học ngành Công nghệ thực phẩm. Sau một thời gian công tác và trải qua nhiều thử thách, chị muốn chọn một công việc phù hợp với sở thích và khả năng của mình.

May thay, năm 2017 tỉnh An Giang có chương trình hỗ trợ dự án Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nên chị quyết định chuyển sang lĩnh vực mà chị đã tâm huyết từ lâu.

10-41-57_1_chi_nguyen_thi_mi_khuong_gioi_thieu_tri_du_luoi_60_ngy_tuoi
Chị Khương giới thiệu trái dưa lưới 60 ngày tuổi

Được sự hỗ trợ của Sở Khoa học và Công nghệ An Giang, chị bắt tay vào dự án “Ứng dụng công nghệ nhà màng và hệ thống tưới nhỏ giọt trong sản xuất dưa lưới Taki của Nhật” và bắt đầu khởi nghiệp.

Chị Khương cho biết, sau một thời gian nghiên cứu về các mặt hàng nông sản, chị đã chọn mô hình trồng dưa lưới, một loại dưa đang tiêu thụ mạnh và giá cả ổn định. Dự án do chị làm chủ nhiệm và bắt đầu thực hiện từ tháng 01/2018 với tổng kinh phí đầu tư 540 triệu đồng, trong đó Sở khoa học và Công nghệ hỗ trợ 30%, UBND TP. Long Xuyên đầu tư 20%.

Trước hết, chị xây dựng nhà màng trên diện tích 1.000 m2 tại phường Mỹ Hòa, TP. Long Xuyên. Vụ đầu tiên chị xuống giống 2.200 gốc dưa lưới theo công nghệ cao, SX theo quy trình VietGAP, liều lượng sử dụng thuốc theo khuyến cáo, cách ly bảo đảm.

Theo chị, dưa lưới dễ trồng, nếu nắm vững quy trình kỹ thuật người trồng sẽ đạt năng suất và chất lượng cao, bình quân từ 3,7 – 4 tấn trái/1.000m2. Chỉ cần chú ý là vào mùa mưa cây sẽ dễ bị bệnh.

Sau 80 ngày chăm sóc chị đã thu hoạch được 3,2 tấn trái, đạt kết quả như mong muốn. Sau vụ 1 thành công, chị tiếp tục xuống giống vụ 2, vụ 3… Mỗi năm có thể trồng 4 vụ, tổng doanh thu khoàng 480 triệu đồng/năm/công.

Về đầu ra, chị phấn khởi cho biết mặt hàng dưa lưới lúc nào cũng khan hiếm, người tiêu dùng rất ưa thích và giá luôn ở mức cao nên người trồng rất yên tâm. Hiện sản phẩm làm ra đều được một công ty bao tiêu với giá 30.000đ/kg, còn nếu bán lẻ sẽ được 55.000đ/kg. Theo tính toán của chị, nếu trừ tất cả các chi phí sẽ còn lời 33%.

Để phục vụ cho du lịch, chị lấy thương hiệu là “Vườn dưa lưới công nghệ cao, SX theo quy trình VietGAP”. Lúc đầu chị mở cửa tự do cho khách vào tham quan và mua dưa. Sau đó, do lượng khách ngày càng đông nên chị bán vé vào cổng. Khách vào nhà màng vừa tham quan, trải nghiệm, chụp ảnh lưu niệm vừa được thưởng thức dưa lưới và uống nước giải khát miễn phí.

10-41-57_2_chi_nguyen_thi_mi_khuong_theo_doi_vuon_du_luoi_cong_nghe_co_sn_xut_theo_quy_trinh_vietgp
Chị Khương theo dõi vườn dưa lưới công nghệ cao

Nhiều giới trẻ, thanh niên, sinh viên khi đến tham quan nhà màng của chị đều tỏ vẻ phấn khích, khâm phục chị, muốn học hỏi từ chị ở tính năng động và dám nghĩ dám làm.

Có thể nói vườn dưa lưới công nghệ cao (Giving’s Farm) là một nông trại lý tưởng góp phần thực hiện đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh An Giang đến năm 2020”. Đây cũng là cơ hội giúp cho bà con nông dân tiếp cận với kỹ thuật công nghệ tiên tiến, tạo ra sản phẩm sạch, an toàn cho người tiêu dùng và hướng tới xuất khẩu.

Gửi phản hồi