Cùng Nông Nghiệp Việt tìm hiểu cách chăm sóc Mai vàng trước Tết nhé!
Cách chăm sóc Mai vàng vào tháng 11:
Khi bạn đã chăm sóc tốt cây mai cả năm và cây đã đủ điều kiện ra hoa. Thì điều tiếp theo mà bạn cần quan tâm là cách chăm sóc mai trước Tết, phối hợp giữa bón phân kích hoa nở , tưới đủ nước và tuốt lá.
Hình 1. Chăm sóc cây Mai trước Tết
a. Bón phân kích nụ:
Giai đoạn này, bạn cần sử dụng phân vô cơ thì mới có hiệu quả, và bón lặp lại 2 – 3 lần mỗi lần cách nhau 7 ngày.
Bạn dùng phân lân pha nước tưới hoặc rải trên mặt đất quanh gốc, nhưng không nên bón sát gốc, rải cách gốc 20cm – 30cm hoặc pha loãng với nước để tưới để tránh ảnh hưởng đến rễ cây mai trong giai đoạn này.
Đồng thời, bạn cần sử dụng phân bón kích nụ giúp kích thích ra nhiều nụ kim, tạo tiền đề cho việc ra hoa sau này cho mai.
Hình 2. Phun Siêu tạo nụ cho Mai vàng
Khi bước sang tháng 12, bạn bón thêm phân vi lượng để dưỡng nụ mai ra hoa mập mập, nuôi cuốn dẻo dai, không bị mất sức, và cuối cùng là lặt lá cho mai khi đến thời điểm thích hợp.
b. Tưới nước đủ ẩm:
Cây mai có khả năng chịu hạn tốt, tuy nhiên trong quá trình chăm sóc bạn cần phải tưới nước đủ ẩm để cây có đủ sức ra hoa. Thông thường vào mùa nắng chỉ nên tưới 1 lần vào buổi sáng, vào mùa mưa thì không cần tưới, nhưng nếu bạn trồng chậu thì vẫn cần tưới nhẹ để để đảm bảo đất giữ được độ ẩm cần thiết.
Từ đầu tháng 10 âm lịch, việc tưới nước cho cây cần được siết lại, tưới cách ngày hoặc khi thấy cây quá khô mới tưới. Bạn cần hạn chế tưới nước cho đến cuối tháng 11 âm lịch và cắt nước hoàn toàn trước khi tuốt lá khoảng 2 – 3 ngày và chỉ tưới nước lại sau khi tuốt lá 2 ngày.
Ngoài ra, nếu đến 25 tháng 12 âm lịch mà cây vẫn chưa bung vỏ lụa thì dùng nước ấm 30 – 40 độ C để tưới nhẹ cho cây. Kèm với đó là đặt cây nơi ánh nắng chiếu hoặc dùng bóng đèn dây tóc treo lên để cây ấm hơn. Lặt lá mai để kích thích ra hoa kịp Tết.
Lặt lá mai để kích thích ra hoa kịp Tết:
Để chăm sóc hoa mai nở vào dịp Tết thì lặt lá mai là việc làm bắt buộc. Bên cạnh đó, bạn phải canh đúng thời điểm lặt lá mai để cây có thể tập trung chất dinh dưỡng vào phát triển nụ hoa và bung nở.
a. Thời điểm thích hợp lặt lá mai:
Nếu muốn mai nở rộ cùng một lúc thì bạn lặt lá một lần, nếu bạn muốn mai nở kéo dài nhiều ngày, lớp này tàn lớp khác sẽ nở cho đến khi bung hết các nụ thì bạn phải tuốt xen kẻ khoảng 2, 3 lần.
Hình 3. Mai vàng ngày Tết Nguyên Đán
Khi sang đầu tháng 12 âm lịch, khoảng ngày 5 đến ngày 7, bạn cần quan sát thời tiết và nụ hoa mai để canh thời điểm lặt lá mai. Nếu mai có nụ lớn và trời nắng thì lặt lá mai vào ngày 15-20 tháng chạp.
Nhưng nếu thời tiết lạnh kéo dài, trời mưa nhiều và mai chỉ có những nụ nhỏ thì thời điểm lặt lá mai rơi vào khoảng đầu tháng, ngày 13-16 tháng chạp là tốt nhất để mai nở kịp. Bên cạnh đó, với những cây mai nhiều hơn 5 cánh cần phải lặt lá sớm hơn 1 tuần.
Trước khi lặt lá khoảng 2-3 ngày, bạn cần ngừng tưới nước và bón phân để lá bắt đầu khô lại, sau đó đợi đến đúng ngày và lặt lá.
b. Cách lặt lá mai:
Khi lặt lá mai, bạn cần cẩn thận để tránh ảnh hưởng các nụ hoa nằm ở kẽ lá, đồng thời bạn cần lặt xong trong ngày để cây mai nở hoa đồng loạt, nếu kéo dài thì mai sẽ nở không đúng ngày và nở rải rác.
Thông thường sẽ có 2 cách tuốt lá mai đó là lặt ngược hoặc xuôi theo chiều lá. Cách đầu tiên, bạn cầm lá lặt ngược ra sau, ưu điểm là ít tốn sức, nhanh nhưng nhược điểm là dễ kéo theo những đoạn dài bỏ cành cây làm hại nụ hoa và cành hoa.
Cách còn lại đó là bạn cầm lá kéo theo chiều của chiếc lá, ưu điểm là không bị xước vỏ, nhưng cách này lại tốn nhiều sức hơn, đối với những đọt non dễ bị đứt đọt do kéo quá sức.
c. Chăm sóc sau khi lặt lá mai:
Sau khi lặt lá, bạn dừng tưới nước 1-3 ngày rồi mới tưới nước bình thường trở lại. Bên cạnh đó, bạn cần theo dõi quá trình sinh trưởng cũng như sự biến động của thời tiết để có biện pháp điều chỉnh, thúc phân cho hợp.